Trang thông tin điện tử

Ban An toàn giao thông

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số quy định về quyền ưu tiên đối với xe cứu thương

Về thứ tự ưu tiên của xe cứu thương:

Tại khoản 1 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định những xe được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự sau:

(1) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

(2) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

(3) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

(4) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

(5) Đoàn xe tang.

Theo quy định trên thì xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu được xếp thứ tự ưu tiên thứ 3 theo quy định về quyền ưu tiên của một số loại xe nêu trên. Do vậy, khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên (quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật giao thông đường bộ 2008).

Về tín hiệu của xe cứu thương:

Tại Điều 8 Nghị định 109/2009/NĐ-CP ngày 01/12/2009 của Chính phủ quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên (Nghị định số 109), có quy định về tín hiệu của xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu: Xe cứu thương có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

Đồng thời, tại Điều 15 Nghị định số 109: Nghiêm cấm các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không thuộc loại xe được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng còi, cờ, đèn phát tín hiệu ưu tiên hoặc xe được quyền ưu tiên nhưng lắp đặt, sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn ưu tiên không đúng quy định.

Không nhường đường cho xe cứu thương bị xử lý thế nào? 

(1) Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Tại điểm b khoản 6 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định số 100) được sửa đổi tại điểm c khoản 3 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ (Nghị định số 123) có quy định phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ. Ngoài ra, tại điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định số 100, người điều khiển xe trong trường hợp này còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. 

(2) Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Tại điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định số 100 được sửa đổi tại điểm c khoản 4 Điều 2 Nghị định số 123, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ. Ngoài ra, theo quy định tại điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định số 100, thì người điều khiển xe trong trường hợp này còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Thực hiện hành vi vi phạm giao thông khi nhường đường cho xe cứu thương làm nhiệm vụ cấp cứu thì có bị xử phạt không?

Hiện nay, có rất nhiều vụ người tham gia giao thông nhường đường cho xe cứu thương làm nhiệm vụ cấp cứu nhưng vẫn bị báo phạt nguội. Vậy, khi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: vượt đèn đỏ, đè vạch kẻ đường, vi phạm các biển báo…để nhường đường cho xe cứu thương đang làm nhiệm vụ có bị phạt không?

Tại Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định: Không xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết. Theo quy định tại khoản 11 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính: Tình thế cấp thiết là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Do đó, việc vượt đèn đỏ, đè vạch kẻ đường,… để nhường đường cho xe cứu thương trong khi thực hiện nhiệm vụ cấp cứu được xem là tình thế cấp thiết. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về giao thông, song chỉ gây thiệt hại cho trật tự quản lý hành chính, an toàn giao thông. Thiệt hại này nhỏ hơn so với thiệt hại sức khỏe, tính mạng của người trên phương tiện xe cấp cứu. Vậy nên, thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm, người vi phạm sẽ không bị xử phạt hành vi vi phạm hành chính./.


Liên kết web

Thống kê truy cập

Đang online: 12
Hôm nay: 34
Hôm qua: 281
Năm 2025: 1.240.013
Tất cả: 1.240.024